09:48 ICT Thứ bảy, 12/10/2024

Trang nhất » Tin Tức » Sắc màu Tây Nguyên

Ðừng đánh mất “hồn’’ của nhà Rông

Thứ tư - 05/12/2012 13:56
Tây Nguyên là mảnh đất tươi đẹp, nơi sinh sống của các dân tộc Ê đê, Zarai; Bahnar, Xê Ðăng, Giẻ Triêng, Brâu,… Ðây là một vùng đất mang đậm huyền thoại sử thi, trường ca và là cội nguồn của ngôi nhà Rông truyền thống – một không gian thiêng liêng, thể hiện sức mạnh cộng đồng và bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên.
Mái tôn, cầu thang sắt, cửa kính… đã khiến ngôi nhà Rông văn hóa ở làng Pring Der (xã Gào, TP Pleiku, Gia Lai) luôn ở trong tình trạng “im ỉm khóa”. Ảnh: Phương Uyên

Mái tôn, cầu thang sắt, cửa kính… đã khiến ngôi nhà Rông văn hóa ở làng Pring Der (xã Gào, TP Pleiku, Gia Lai) luôn ở trong tình trạng “im ỉm khóa”. Ảnh: Phương Uyên

Biểu tượng của đại ngàn

Theo tài liệu Di sản văn hóa nhà Rông Tây Nguyên (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), theo tư duy truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thì nhà Rông là một thành tố không thể thiếu trong đời sống cộng đồng. Nhà Rông bao quát mọi tinh hoa văn hóa sáng tạo của con người trong môi trường sinh thái tự nhiên, vừa hùng vĩ, vừa tiềm ẩn những yếu tố tâm linh, là biểu hiện của văn hóa rừng và sự kết nối cộng đồng người gắn với thiên nhiên.

Theo lưu truyền thì việc xây dựng nhà Rông phải tuân theo nghi thức trang trọng. Từ khi chuẩn bị làm nhà, già làng tụ tập tất cả những người tài giỏi nhất trong làng để họp bàn. Nơi dựng nhà Rông phải cao ráo, thoáng mát về mùa nắng, ấm áp về mùa mưa, nằm ở trung tâm của làng, đi từ các con đường về, từ xa phải nhìn thấy mái nhà Rông. Tất cả được xây dựng bằng đôi tay tài hoa, bằng cả trí tuệ và sức lực của cộng đồng.

Nhà Rông thường dài khoảng 10m, rộng hơn 4m, cao 15 – 16m, nhưng có những ngôi chỉ cao 7-8m… Tính đa dạng trong kiến trúc của mỗi dân tộc ở Tây Nguyên còn là ở kết cấu của ngôi nhà. Nhà Rông của người Tây Nguyên không dùng đến sắt thép. Các chỗ nối, chắp đều được chặt, đẽo cẩn thận rồi dùng mây, lạt tre để buộc. Tuy nhiên từng mối buộc mỗi dân tộc lại khác nhau.

Hai loại nhà Rông xuất hiện ở Tây Nguyên gồm nhà Rông trống (đực) và nhà Rông mái (cái). Nhà Rông trống có mái to, cao chót vót, được trang trí rất công phu. Nhà Rông mái nhỏ hơn, có mái thấp, hình thức bên ngoài và bên trong đơn giản hơn. Nổi bật trong trang trí nhà rông là hình ảnh thần mặt trời chói sáng. Nhà Rông càng to đẹp thì càng chứng tỏ buôn làng giàu có, mạnh mẽ.

Nét truyền thống đang dần mai một

Trước tình trạng phần lớn các nhà Rông do xây dựng đã lâu, bị hư hỏng, dột nát,… chính quyền các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc,… đã thực hiện các biện pháp bảo tồn, xây dựng lại nhà Rông để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của đồng bào. Đây là một chủ trương đúng đắn, nhằm gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc Tây Nguyên. Nguồn vốn để xây dựng nhà Rông được huy động bằng hình thức xã hội hóa, trong đó có một phần đóng góp của nhân dân. Tuy nhiên, rất nhiều nhà Rông đã không được “sống lại” theo đúng ý nghĩa truyền thống của nó, nguyên vật liệu từ gỗ, mái tranh,… được ‘hiện đại hóa’’… bằng bê tông, cốt thép, mái tôn,… khiến đồng bào “không ưng cái bụng”, không thích đến sinh hoạt ở nhà Rông mới; và nhiều nhà Rông ở trong tình trạng “cửa đóng then cài”, hư hỏng, xuống cấp trầm trọng.

Theo thống kê, đến nay trên địa bàn TP. Kon Tum có 57/61 làng đồng bào dân tộc thiểu số có Nhà Rông truyền thống, trong đó, 21/57 nhà Rông có mái lợp bằng tôn. Nhà Rông văn hóa xã Glar (Đắk Đoa – Gia Lai) được xây dựng kiên cố bằng gỗ từ năm 2001. Tuy nhiên, sau khi sử dụng một thời gian, nhà Rông này bị bỏ hoang từ đó đến nay, nhiều hạng mục đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Bề ngoài, hình hài nhà Rông vẫn còn nguyên vẹn, nhưng các trụ bằng gỗ hầu hết đã mục nát; sàn nhà, cầu thang lung lay, bên trong nhà Rông chứa đầy rác… Hay như các nhà rông ở xã Ayun (huyện Chư Sê), ở làng Stơr (huyện Kbang) hay nhà rông ở xã Gào (TP Pleiku), tỉnh Gia Lai… dù được xây dựng khá hoành tráng nhưng vẫn vắng bóng người,…

Lý giải cho điều này, nhiều địa phương và đơn vị xây dựng cho biết, để dựng được một ngôi nhà Rông theo đúng truyền thống phải mất nhiều kinh phí và thời gian, các nguyên vật liệu như gỗ, tranh tre,… cũng rất khó kiếm vì phải đi rất xa và rừng bây giờ đã bị “khai thác cạn kiệt rồi” còn đâu?!…

Làm sao giữ được “cái hồn” của nhà Rông đang là vấn đề xã hội quan tâm. Ảnh: Trà Khúc

Cần chung sức, đồng lòng

Việc bảo tồn, xây dựng nhà Rông văn hoá ở Tây Nguyên là một chủ trương rất đúng và cần được đẩy mạnh thực hiện. Ngoài bảo tồn, phát triển những ngôi nhà Rông truyền thống ngày càng thưa vắng, nó còn góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Tuy nhiên, trước thực trạng này, làm thế nào để  giữ được giá trị truyền thống, hồn cốt linh thiêng của di sản văn hóa đặc biệt này đã và đang là vấn đề xã hội quan tâm.

Thiết nghĩ các địa phương, nhất là các ngành chức năng cần có những định hướng, giải pháp cụ thể. Khi xây dựng nhà Rông cần có giải pháp huy động đủ nguồn vốn, tiếp thu ý kiến của các già làng, người có uy tín và nhân dân địa phương để có được sự đồng thuận, nhất trí cao. Bên cạnh đó chính quyền địa phương, nhất là những người có uy tín cũng cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào về trách nhiệm tham gia, ý thức gìn giữ nhà Rông, khơi dậy tinh thần lao động, khả năng sáng tạo tuyệt vời của đồng bào để xây dựng những ngôi nhà Rông vững chắc, mang đúng sắc thái truyền thống, đúng nghĩa là “trái tim” của buôn làng.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Quán cà phê