Cà phê Buôn Ma Thuột: Vì sao không dán nhãn để xuất khẩu?

Cà phê Buôn Ma Thuột là thương hiệu nổi tiếng trên khắp cả nước và thế giới. Mặc dù tỉnh Đắk Lắk đã cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cà phê Buôn Ma Thuột cho 8 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cà phê trong tỉnh vào năm 2011 nhưng hiện chưa có DN nào xuất khẩu cà phê mang CDĐL Buôn Ma Thuột.
Người dân Buôn Ma Thuột thu hoạch cà phê.

Doanh nghiệp chưa mặn mà

Niên vụ cà phê 2011-2012, sản lượng cà phê xuất khẩu của Đắk Lắk đạt 298.181 tấn, giảm 4,2% so với niên vụ trước và chiếm 18,7% lượng cà phê xuất khẩu của cả nước. Có 15 DN trên địa bàn tỉnh tham gia xuất khẩu và cà phê của tỉnh được xuất khẩu đến 62 nước, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, cà phê mang thương hiệu Buôn Ma Thuột được cấp quyền sử dụng với mức đăng ký 26.000 tấn/năm lại chưa được gắn nhãn để xuất khẩu. Chỉ có Công ty TNHH Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk “thử” xuất khẩu lô hàng 18 tấn cà phê nhân loại R1 (loại 1) mang CDĐL Buôn Ma Thuột sang thị trường Nhật Bản vào đầu năm nay.

Ông Y Ghi Niê, Giám đốc Sở KH-CN Đắk Lắk, cho rằng: “Cà phê nhân là mặt hàng xuất khẩu mang tính toàn cầu, giá cả và phương thức thương mại chịu sự chi phối mạnh mẽ của bên mua là những nhà nhập khẩu, nhà rang xay lớn trên thế giới. Sản phẩm cà phê robusta có CDĐL Buôn Ma Thuột chưa phải là nhu cầu thực sự của nhà nhập khẩu nên việc tạo lập thị trường rất khó khăn. Chính vì vậy, các DN xuất khẩu cà phê nhân chưa quan tâm đầu tư nhiều cho việc xây dựng và phát triển CDĐL vì họ chưa thấy ngay hiệu quả kinh tế thực sự do CDĐL mang lại”.

Bên cạnh đó, các DN xuất khẩu cà phê chưa mặn mà với việc gắn nhãn cà phê khi xuất khẩu, do cà phê nhân mang nhãn Buôn Ma Thuột có giá cao hơn các loại cà phê bình thường. Theo ông Phan Hùng Anh, Phó giám đốc Công ty TNHH Anh Minh – đơn vị xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 ở Đắk Lắk, khi DN xuất cà phê cho các đối tác nước ngoài, họ sẽ không nhập cà phê dán nhãn Buôn Ma Thuột vì nó có giá cao hơn những sản phẩm không được dán nhãn. Vì thế, các DN trong nước muốn xuất được nhiều cà phê ra nước ngoài buộc phải không dán nhãn.

Ông Nguyễn Xuân Lợi, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển An Thái, cũng cho rằng: Hiện nay nhiều thị trường nhập khẩu cà phê lớn của Đắk Lắk ở nước ngoài chưa được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, vì thế nếu DN dán nhãn cà phê Buôn Ma Thuột để xuất khẩu sẽ gặp khó khăn. Trong khi đó, lâu nay, các DN xuất khẩu cà phê cũng chưa quan tâm mấy đến việc dán nhãn khi xuất khẩu vì họ chưa thấy lợi ích từ việc này.

Quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột

Vùng địa danh cà phê Buôn Ma Thuột có diện tích 100.000ha, nằm ở khu vực 8 huyện, thị của tỉnh Đắk Lắk. Để cà phê mang CDĐL Buôn Ma Thuột xuất khẩu đến các thị trường lớn trên thế giới thuận lợi, nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột phải được đăng ký bảo hộ tại các thị trường đó. Nhưng hiện nay, địa danh Buôn Ma Thuột đang bị một DN Trung Quốc đăng ký bảo hộ độc quyền tại nước này. Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đang phối hợp với Văn phòng luật sư Phạm và Liên danh khiếu kiện đòi lại nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột và dự kiến sẽ kéo dài tới 3 năm. Bên cạnh đó, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cũng đã ủy quyền cho Văn phòng luật sư đại diện nộp đơn đăng ký bảo hộ quốc tế nhãn hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột” tại 15 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Về lâu dài, ông Phan Hùng Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Anh Minh, cho rằng tỉnh Đắk Lắk phải tăng cường quảng bá hình ảnh cà phê Buôn Ma Thuột và phát triển CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột đến các DN xuất khẩu cà phê. Một khi các DN nhận thấy được lợi ích kinh tế của việc sử dụng CDĐL Buôn Ma Thuột, họ sẽ tự gắn nhãn cà phê Buôn Ma Thuột lên sản phẩm cà phê được xuất khẩu. Còn theo ông Nguyễn Xuân Lợi, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển An Thái, tỉnh cần phải có chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN trong việc dán nhãn cà phê Buôn Ma Thuột. Cùng với đó, phải tăng cường quảng bá hình ảnh cà phê Buôn Ma Thuột để DN xuất khẩu trong nước và cả DN nhập khẩu nước ngoài thấy được những lợi ích của việc gắn nhãn cà phê Buôn Ma Thuột.

Ông Y Ghi Niê, Giám đốc Sở KH-CN Đắk Lắk, cho biết: Mặc dù cà phê mang CDĐL Buôn Ma Thuột chưa được DN gắn nhãn xuất khẩu nhưng xu thế cà phê mang CDĐL là một trong những lợi thế cạnh tranh rất hữu hiệu trong việc xuất khẩu cà phê. Chính vì vậy, tỉnh cần phải đầu tư kinh phí hàng năm để xây dựng, phát triển và mở rộng vùng cà phê được cấp quyền sử dụng CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột. Bên cạnh đó, tỉnh cần có cơ chế khuyến khích các DN được cấp quyền sử dụng CDĐL gắn nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột lên bao bì sản phẩm, giấy tờ giao dịch để khách hàng tự nhận biết sản phẩm có CDĐL và DN được hưởng khoản chênh lệch tăng thêm từ việc tạo kênh thương mại mới cho sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột.

Tác giả bài viết: Công Hoan

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng